TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN QUỐC TOẢN

https://tieuhoctranquoctoan.edu.vn


Hội thảo Quốc tế Triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục Đại học

Ngày 19/10/2017, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Triển khai tài nguyên giáo dục mở (OER) lần 3 với chủ đề: Bản quyền và giấy phép mở.
Hội thảo Quốc tế Triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục Đại học
 
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đồng phối hợp tổ chức hội thảo với mục tiêu nâng cao nhận thức và xây dựng nền tảng pháp lý cho việc sử dụng bản quyền và giấy phép mở trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam.

 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tổ chức trong và ngoài nước như: Tổ chức Open Development Initiative, EWMI; Cục xuất bản in và phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các trường Đại học, cơ quan Thông tin – thư viện, các Hiệp hội nghề nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: tài nguyên giáo dục mở là chủ đề quan trọng trong sự phát triển hiện nay của các trường đại học và trong tương lai phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Vấn đề bản quyền và giấy phép mở là vấn đề cốt lõi và nền tảng nhất cho sự phát triển của tài nguyên giáo dục mở, dữ liệu mở và truy cập mở, là nền tảng quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tài nguyên giáo dục mở là một trong những giải pháp khả thi cho việc tăng cường nguồn học liệu, phục vụ các hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao tri thức trong bối cảnh nhiều trường đại học đang gặp khó khăn trong hoạt động phát triển học liệu. Khoa học mở là một hướng đi quan trọng giúp tạo ra lượng tri thức khổng lồ liên kết dữ liệu mở, tạo ra dữ liệu lớn là nền tảng cơ bản cho xây dựng trí tuệ nhân tạo.

Hội thảo đã được nghe các báo cáo trình bày về thực trạng và mô hình triển khai tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam; vấn đề xử lý bản quyền đối với dữ liệu mở và truy cập mở; các giải pháp, đề xuất đối với vấn đề bản quyền tác giả và vi phạm bản quyền; khắc phục những rào cản trong bảo hộ quyền tác giả; vai trò của giáo viên trong việc sử dụng và sản xuất tài nguyên giáo dục mở;…

Tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã triển khai được 02 mô hình thử nghiệm, các buổi hội thảo chuyên sâu, nghiên cứu, các khóa huấn luyện phát triển và hướng tới một sự cam kết để hành động trong tương lai.

Theo Ban tổ chức Hội thảo thì chủ đề Bản quyền và giấy phép mở góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của giáo viên trong sử dụng và sản xuất tài nguyên giáo dục mở. Đây là đội ngũ cốt lõi trong việc triển khai tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam. Theo báo cáo của TS. Đậu Mạnh Hoàn – Trung tâm Học liệu, Đại học Quảng Bình: “Việc xây dựng và triển khai các mô hình đào tạo giáo viên OER sẽ giúp các cơ quan giáo dục, các trường đại học và các tổ chức xã hội phát huy vai trò của giáo viên qua việc sử dụng và sản xuất OER, và chính những giáo viên được đào tạo này cuối cùng sẽ đảm bảo tối đa lợi ích của phong trào tiếp cận mở cho cá nhân và xã hội, thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển”.

 Uyên Bùi – Ảnh: Ngọc Tùng – VNU Media
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây