HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN TOÁN, ĐẠO ĐỨC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 ĐỐI VỚI LỚP 1, LỚP 2

Thứ ba - 22/03/2022 04:28
Năm học 2021– 2022 là năm học thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và là năm thực hiện đầu tiên đối với lớp 2. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa tức là đổi mới về tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức của người dạy và người học đồng nghĩa với sự cấp thiết trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực của giáo viên nhằm phát triển năng lực, phẩm chất năng động, sáng tạo của học sinh. Chính vì vậy, việc định hướng cho học sinh có cách học, có nhu cầu học tập, tự học tập để khám phá và chiếm lĩnh kiến thức là khâu quan trọng nhất trong xu thế giáo dục thời đại 4.0.
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN TOÁN, ĐẠO ĐỨC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 ĐỐI VỚI LỚP 1, LỚP 2
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao chuyên môn đối với cấp Tiểu học nói chung và khối lớp 1,2 nói riêng, sáng ngày 12 tháng 10 năm 2021, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức "Chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học môn Toán, Đạo đức chương trình phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2" tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản – TP Hạ Long nhằm giúp giáo viên trong toàn tỉnh có cơ hội dự giờ trực tiếp các tiết dạy thể nghiệm; trao đổi, chia sẻ về phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực áp dụng thực tế có hiệu quả đối với môn Toán, môn Đạo đức; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về dự và trực tiếp chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Thị Thúy Hà và đ/c Hoàng Thị Lan Hương - Phó trưởng phòng GDPT; chuyên viên các phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường cùng đông đảo các thầy cô giáo trong toàn tỉnh Quảng Ninh. Thay mặt cho các đ/c lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, đ/c Hoàng Thị Lan Hương phát biểu, chỉ đạo, thông qua chương trình hội nghị gồm 3 phần: Dạy thể nghiệm 4 tiết học; Báo cáo chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học môn Toán, Đạo đức lớp 1, lớp 2; Trao đổi, rút kinh nghiệm các tiết dạy

Mở đầu hội nghị là tiết dạy thể nghiệm môn Toán lớp 1 bài “Phép cộng trong phạm vi 6” của cô giáo Đặng Thị Thùy Linh và học sinh lớp 1A4 trường TH Trần Quốc Toản, TP Hạ Long. Cô giáo đã phối hợp nhịp nhàng các PPDH khám phá, kiến tạo; PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề kết hợp với hình thức tổ chức dạy học tích cực (nhóm, trò chơi “Lật mảnh ghép’; “Ong tìm mật”, …) giúp các em học sinh trong lớp mạnh dạn nêu ý kiến, chia sẻ về các tình huống toán học; tích cực phát hiện và chủ động tự chiếm lĩnh kiến thức mới đồng thời vận dụng linh hoạt các phép cộng trong phạm vi 6 vào thực tế cuộc sống xung quanh em. Đặc biệt quan sát tiết học, các em còn thể hiện được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bạn trong những hoạt động hợp tác nhóm.
Nếu tiết toán Lớp 1 được ví như một bản nhạc vui tươi, rộn ràng thì tiết dạy thể nghiệm Toán lớp 2 của cô giáo Lê Thị Hà An, giáo viên trường TH Hà Lầm, TP Hạ Long với bài “Bài toán về nhiều hơn (Tiếp theo)” mang đến giai điệu nhẹ nhàng vô cùng cuốn hút bởi giọng giảng truyền cảm của cô. Sử dụng các phương tiện dạy học, đồ dùng dạy học được phát huy tối đa trong tiết dạy tăng tính khơi gợi niềm hứng thú học tập, say mê chiếm lĩnh kiến thức, tự tìm tòi thêm các bài toán mới thông qua các đồ dùng học tập mà các em tự chuẩn bị. Việc hình thành kiến thức trở nên thú vị, sinh động với những bông hoa, quả táo, quả bóng, ... giúp các em hiểu được cách giải bài toán về nhiều hơn một cách triệt để, tìm ra cách giải các bài toán về nhiều hơn một cách nhanh chóng.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay khi yếu tố con người được đặc biệt coi trọng, thì tiềm năng trí tuệ cùng với sức mạnh tinh thần và đạo đức của con người càng được đề cao và phát huy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực xã hội. Trong trường Tiểu học, việc dạy học môn Đạo đức chính là trang bị cho các em học sinh các chuẩn mực đạo đức, lối sống lành mạnh và cách sống có lý tưởng. Từ đó các em biết cách vận dụng hành vi, chuẩn mực đạo đức đó vào cuộc sống. Điều đó được minh họa rõ nét qua 2 tiết dạy đạo đức bài “Chăm sóc và giúp đỡ em nhỏ” của cô giáo Nguyễn Thị Trang và các em học sinh lớp 1, trường TH Lê Hồng Phong, TP Hạ Long và cô giáo Đỗ Thị Mai Thoa cùng các em học sinh lớp 2 trường TH Quang Trung, TP Hạ Long với bài “Yêu quý bạn bè”.
“Việc đưa bài học vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào bài học” được các cô giáo khai thác linh hoạt, triệt để; tạo cơ hội cho các em có cơ hội mạnh dạn bày tỏ quan điểm nên, không về những hành động yêu thương, nhường nhịn quan tâm em nhỏ, bạn bè để từ đó biết vận dụng tốt các hành vi đạo đức trong bài học vào cuộc sống hàng ngày.

Vậy trong công cuộc đổi mới đó thì mỗi thầy cô cần làm gì, làm như thế nào để nâng cao chất lượng dạy học môn Toán, Đạo đức theo chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2. Buổi chiều cùng ngày, hội nghị chuyên đề được lắng nghe, trao đổi, chia sẻ 4 báo cáo tham luận:
Thông qua các tiết dạy thể nghiệm và các báo cáo tham luận, có thể thấy rằng không có phương pháp toàn năng phù hợp với mọi yêu cầu cần đạt và nội dung bài học. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học đều có những ưu, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy, Mỗi giáo viên nghiên cứu, sử dụng thành thạo các PP, KT trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành trong các hoạt động dạy học; mạnh dạn đổi mới phong phú, đa dạng các phương pháp, hình thức, kĩ thuật trong toàn bộ quá trình dạy học để phát huy tính tích cực, chủ động, ham tìm tòi khám phá, chiếm lĩnh kiến thức của học sinh góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, để tiến đến thành công đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động với giảng dạy và học trò. Trong xã hội hiện đại, phát triển không ngừng, mỗi giáo viên cần năng động, sáng tạo, phải luôn xác định được mình sẽ là động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công. Với những gì đã thể hiện thành công tại chuyên đề cũng như những hạn chế cần khắc phục, mỗi thầy cô sẽ tích cực đổi mới các phương pháp, hình thức, kĩ thuật dạy học; sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phương tiện dạy học thông minh ứng dụng vào giảng dạy thực tiễn để tạo hứng thú học tập, phát triển các năng lực, phẩm chất sẵn có của các em góp phần xây dựng những chủ nhân tương lai của đất nước vừa có tài vừa có đức, năng động, tự tin và hội nhập.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây